Du lịch tâm linh là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Không chỉ đảnh lễ, chiêm bái, cầu bình an mà bạn sẽ thấy tâm hồn mình thanh tịnh nơi Phật môn. Sau đây là bài viết của Thái Hà Boutique về các chùa nổi tiếng ở Quảng Ninh giúp du khách lựa chọn được các ngôi chùa để du xuân và cầu may.
Chùa Yên Tử
Sau khi rời khỏi ngôi vua, vua Trần Nhân Tông đã tìm đến vùng đất Yên Tử để xuất gia tu hành. Sau đó đã lập nên một trường phái tu hành mới của Việt Nam là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Tọa lạc trên độ cao 1.068m, Chùa Đồng là nơi dừng chân cao nhất của du khách. Đây là ngôi chùa độc đáo, được hoàn thành từ đồng nguyên chất. Vào năm 2010, bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng đã được khởi công và khánh thành trên diện tích khoảng 2200m2.
Ngoài ra dọc đường lên đỉnh Yên tử, du khách còn có thể viếng thăm một số ngôi chùa ở Quảng Ninh cũng rất linh thiêng cổ kính như: chùa Hoa Yên, chùa Một Mái,…Nếu trước kia, đường lên Yên Tử rất khó khăn, đường núi cheo leo hiểm trở thì những năm gần đây, từ chân núi bạn có thể đến chùa Đồng bằng 2 cách: leo bộ hoặc cáp treo 2 chặng. Hành trình thăm Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan – chùa Hoa Yên, chùa Một Mái – tượng đá An Kỳ Sinh, rồi lên chùa Đồng. Từ độ cao 1068m nhìn xuống, bạn sẽ cảm giác được một chốn thanh tịnh đúng nghĩa trong cõi Phật.
Chùa Ba Vàng
Chùa Ba Vàng còn có tên gọi khác là chùa Bảo Quang. Chùa tọa lạc trên núi Thành Đẳng có độ cao khoảng 340m so với mực nước biển. Chùa Ba Vàng nổi tiếng là ngôi chùa có chánh điện lớn nhất Việt Nam. Chùa Ba Vàng không chỉ là nơi thờ phụng linh thiêng mà chùa ở Quảng Ninh này còn có địa thế đẹp, phía trước là sông, phía sau tựa núi, hai bên rừng thông xanh ngát quanh năm, phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Chùa có kiến trúc đặc biệt với những điêu khắc tinh xảo, cùng với hệ thống đèn trang trí lung linh, huyền ảo đã góp phần tạo nên sức thu hút của ngôi chùa nổi tiếng ở Quảng Ninh này. Hàng tháng, tại chùa có tổ chức các buổi giảng Phật pháp, các khóa tu thu hút đông đảo Phật tử tham gia học tập, nghiên cứu Phật pháp.
Chùa Cái Bầu
Chùa Cái Bầu hay còn gọi là Thiền Viện Trúc Lâm Giác Tâm cũng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Quảng Ninh. Dù mới được khánh thành vào năm 2009, nhưng ngôi chùa tọa lạc ở Vân Đồn vẫn đang thu hút đông đảo du khách thập phương đến du xuân và cầu may.
Tuy đông đúc nhưng chùa vẫn giữ được sự trang nghiêm, không có cảnh chen lấn, xô đẩy. Mà bạn vẫn sẽ cảm nhận được sự yên bình, linh thiêng. Khi đến chùa, bạn không chỉ được vãn cảnh chùa, lễ Phật mà còn được thưởng thức cơm chay miễn phí.
Đền Cửa Ông
Nói đến Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật nổi tiếng thời nhà Trần, ta không thể không nhắc đến một khu du lịch tâm linh nổi tiếng tọa lạc tại Cẩm Phả, Quảng Ninh.
Đền Cửa Ông cũng có địa thế “tựa núi, hướng biển” giống như chùa Cái Bầu. Đền tọa lạc trên một ngọn đồi hướng ra vịnh Bái Tử Long, lưng quay vào dãy núi trùng điệp chạy từ Cẩm Phả đến Mông Dương.
Đặc biệt, đã đến Đền Cửa Ông thì đừng bỏ lỡ ễ hội Đền Cửa Ông cứ 2 năm lại diễn ra một lần vào ngày 3/2 Âm lịch. Đến với Cửa Ông bạn còn có thể được thưởng thức đặc sản địa phương có một không hai là bánh Tày nồng ệp rất ngon.
Chùa Long Tiên
Chùa Long Tiên được biết đến là ngôi chùa lớn nhất thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Được xây dựng từ năm 1941, đến nay trải qua nhiều lần trùng tu chùa có diện mạo rất khang trang, sạch đẹp. Tọa ngay tại dưới chân núi Bài Thơ, chùa có kiến trúc rất độc đáo, mang âm hưởng từ kiến trúc thời Nguyễn.
Hàng năm, chùa Long Tiên tổ chức lễ hội vào ngày 24/3 âm lịch thu hút đông đảo du khách thập phương tham gia. Lễ hội dành cho các tín đồ theo đạo Phật. Đặc biệt mang một ý nghĩa tâm linh hết sức cao cả. Vào mùa trẩy hội ở Quảng Ninh, người ta gọi chùa Long Tiên – chùa nổi tiếng ở Quảng Ninh là chùa Trình. Bởi ai cũng muốn đến chùa Long Tiên dâng hương trước rồi mới tiếp tục hành hương tới Yên Tử, tới hội đền Cửa Ông.
Đình Trà Cổ – Móng Cái
Đình Trà Cổ tọa lạc tại thành phố Móng Cái, Quảng Ninh. Nơi đây từ lâu vẫn được coi như cột mốc văn hóa nơi biên ải, biên giới Việt Nam. Với vị trí ở ven biển, giáp biên giới với Trung Quốc, ngôi đình này đã chịu không ít sự tác động của giao thoa văn hóa giữa hai nước. Tuy nhiên, đình Trà Cổ vẫn mang đậm các giá trị thuần Việt về kiến trúc, vẫn giữ được những nét sinh hoạt văn hóa dân gian vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng nước ta.
Lễ hội đình Trà Cổ được tổ chức hàng năm vào ngày 30-5 và 1-6 âm lịch luôn đọc đáo với tục thi “Ông Voi”.