Chuyển tới nội dung

Ấn tượng với ẩm thực vùng cao Bình Liêu (Phần 1)

Nếu có dịp du lịch Quảng Ninh và ghé thăm vùng đất Bình Liêu, bạn nhớ đừng bỏ qua những món ăn đặc sắc ở nơi đây. Những đặc trưng về địa hình và sự đa dạng về các dân tộc thiểu số đã tạo ra những đặc trưng, ấn tượng khó quên về ẩm thực vùng cao Bình Liêu. Những sản vật thu được cũng là nguyên liệu chính trong hầu hết các món ăn hàng ngày và các dịp lễ tết, tạo nên nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực.

Cơm mới

Cơm mới và lễ cơm mới như một trong những đặc trưng không thể thiếu khi nhắc tới ẩm thực vùng cao Bình Liêu. Mâm cỗ lễ cơm mới của người Bình Liêu tất nhiên không thể thiếu món cơm mới. Một bát cơm mới có màu xanh mát mắt, được xới tơi lên toả làn khói nghi ngút, thoang thoảng hương thơm vô cùng hấp dẫn.

Thực ra cơm mới không được nấu từ gạo, mà sử dụng loại nếp hảo hạng vừa được thu hoạch, nếp nguyên hạt tròn lẵn, còn phảng phất vị thơm của nắng giòn, khi được nấu chín rất dẻo và thơm ngon, đặc sắc. Một nguyên liệu khác vô cùng quan trọng trong món này đó là lá gừng tươi. Lá gừng để nấu cơm mới phải được chọn kỹ lưỡng, sau đó giã lấy nước và trộn với lúa nếp trước khi nấu. Xôi được nấu trên bếp củi liu riu lửa, để nếp chín kỹ mới có được độ dẻo thơm, lưu giữ hương thơm ấm áp của gừng.

Cơm mới khi vừa chín tới có mùi thơm nhẹ phảng phất, nhưng lại rất quyến rũ, khiến thực khách không khỏi cầm lòng. Đặc biệt, màu xanh đặc trưng của món cơm cũng góp phần không nhỏ để hấp dẫn thực khách thêm háo hức thưởng thức món ăn giản dị mà ngon miệng này.

Ngoài ra, người dân Bình Liêu còn quan niệm rằng, màu xanh đặc trưng của cơm mới tượng trưng cho mùa màng tốt tươi, bội thu. Nếp mới dẻo thơm hoà quyện với cái vị nồng nồng, ấm áp của gừng đã làm nên một món ăn hài hoà, tròn vị, khiến du khách phương xa không khỏi ấn tượng.

Phở xào Đồng Văn

Đến Bình Liêu, bạn có thể thưởng thức món phở xào ở bất cứ nơi đâu. Nhưng để thưởng thức phở xào đặc trưng nhất ở nơi đây thì tốt nhất bạn nên đến với xã Đồng Văn – một xã giáp biên của huyện Bình Liêu. Muốn ăn một đĩa phở xào, bạn có thể đến chợ phiên mua nguyên vật liệu phở tươi, thịt và gia vị. Điều làm nên vị ngon khác biệt của phở xào Bình Liêu với các món phở xào nơi khác đó chính là chất liệu phở nơi đây.

Quá trình làm phở được thực hiện hoàn toàn thủ công bởi những bàn tay khéo léo của người dân bản địa. Gạo để làm phở được trồng trên nương rẫy ở Bình Liêu nên rất dẻo và thơm ngon. Gạo được ngâm vào nước cho mềm rồi cho vào cối xay thành tinh bột lỏng, mang tráng và hấp chín ở trên bếp củi. Phở tráng xong phải là những miếng phở to, mỏng, được gập miếng to, bản dài thái thành các sợi nhỏ.

Phở được thái sợi rất mềm và dẻo, đưa lên bếp xào, phi hành tỏi cùng thịt lợn, xì dầu và rau thái nhỏ. Quá trình xào, bạn sẽ thực sự bị hấp dẫn bởi mùi thơm nức vị tỏi, thịt lợn và xì dầu. Đĩa phở lên mâm sẽ vô cùng hấp dẫn với sợi phở ngấm xì dầu vàng óng, bắt mắt, thịt lợn săn lại; khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận toàn bộ vị ngọt thơm, ngầy ngậy của thịt lợn bản nơi đầu lưỡi mà không ngấy bởi được cân bằng bằng vị rau thanh mát, sợi phở mềm mà không nát, ngon nhất khi thưởng thức nóng. Ấy là lúc bạn đang cảm nhận hương vị rất đặc trưng của vùng đất Bình Liêu.

Gà đen Bình Liêu

Gà đen Bình Liêu có nguồn gốc từ giống gà của người H’mông. Loại gà này được gọi phổ biến nhất là gà Mông đen hoặc các tên khác như: gà Mèo, gà Mông, gà xương đen, còn ở Bình Liêu thì chủ yếu gọi là gà đen. Đây là giống gà có nguồn gốc ở miền núi phía Bắc, được dân tộc H’Mông nuôi thả nuôi quảng canh. Vài năm trở lại đây, nhận thấy giá trị kinh tế cao nên nhiều người dân của Bình Liêu đã mạnh dạn phát triển mô hình nuôi loại gà trên, chủ yếu được nuôi ở các xã, như: Đồng Tâm, Tình Húc.

Theo lý giải của người dân, sở dĩ gà đen ngon, ngoài chất lượng con giống, cách thức chăn nuôi cũng quyết định chất lượng gà đen. Thông thường người dân tận thả nuôi bán tự nhiên quanh vườn đồi, nương ngô, sườn đồi… để chúng tự tìm kiếm thức ăn.

Gà đen có thể chế biến rất nhiều món ăn ngon như: gà luộc, gà hấp, gà kho, nhưng ngon nhất phải kể đến món gà nướng mật ong rừng. Để có món gà nướng ngon cần chọn gà trưởng thành với trọng lượng từ 1,3-2kg. Gà sau khi được làm sạch sẽ, được tẩm ướp với mật ong rừng và một số gia vị đặc trưng của người dân tộc cho ngấm đều rồi nướng chín vàng trên bếp củi. Gà chín, chặt bày lên đĩa hoặc xé ăn kiểu dân dã là ngon nhất.

Ngoài việc sử dụng làm thực phẩm, cũng có thể sử dụng thịt gà đen như một vị thuốc, dùng để nấu cao để bồi bổ sức khoẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *