Quảng Ninh còn có một vùng biển rộng lớn với những loại hải sản phong phú và tươi ngon. Điều đó đã tạo cho các món ăn nơi đây có nét khác biệt, hấp dẫn mà mỗi du khách đã từng một lần thưởng thức không thể nào quên. Đặc biệt, những món từ hải sản ở Quảng Ninh dưới đây càng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách bởi những cái tên độc đáo của mình.
Sá sùng khô rang
Sá sùng – Một loài động vật nghe có vẻ lạ nhưng thực ra lại rất gần gũi với người dân Việt từ xưa đến nay, đặc biệt là người dân miền biển. Thực chất sá sùng là một loại hải sản , nó sống trong các hang hốc, dưới những bãi cát gần biển, sá sùng thường có nhiều nhất ở Quảng Ninh, Nha Trang, Côn Đảo. Những nơi nó xuất hiện nó lại có các tên gọi khác nhau như mồi, bi bi, địa sâm hay giun biển. Có lẽ vì thế khi nhắc đến cái tên sá sùng, nhiều người thường không nhận ra ngay.
Ngày trước, sá sùng là một trong những đặc sản được chọn để tiến vua và cống quan bởi vì giá trị của nó. Ngày nay, ta thường thấy sá sùng được góp mặt trong những nhà hàng lớn với giá thành không hề rẻ, khoảng 1 chỉ vàng/1kg sá sùng. Do giá trị kinh tế cao như vậy nên việc đánh bắt sá sùng diễn ra bừa bãi làm ảnh hưởng đến số lượng sá sùng hiện nay – ngày càng it đi nhưng không phải vì thế mà chất lượng ngày càng giảm.
Nếu bạn đến Quảng Ninh, hãy tìm đến huyện Vân Đồn – nơi đây được mệnh danh có loại sá sùng ngon nhất Việt Nam, hãy thử xem, nó nhất định không khiến bạn phải thất vọng, hoặc nếu có thể, hãy mua thử một ít sá sùng khô về làm quà. Còn nếu thưởng thức ngay tại nhà hàng thì đừng bỏ qua món hải sản ở Quảng Ninh – sá sùng rang nhé.
Sá sùng vừa giòn, vừa ngọt, lại hơi dai dai. Ăn sá sùng rang mà kết hợp cùng với một cốc bia thì tuyệt cú mèo. Nếu bạn không ăn hết, có thể bảo quản sá sùng trong túi kín buộc chặt để nó không bị hà hơi, làm vậy có thể giúp sá sùng giữ được độ giòn và để được trong vài ngày. Sá sùng khô rang có thể chấm muối hoặc vắt chanh cũng cực kỳ tuyệt vời các bạn nhé.
Bông thùa xào
Bông thùa là món ăn được ưa chuộng ở một số địa phương vùng duyên hải Hải Phòng, Quảng Ninh của nước ta. Bông thùa cũng giống như con sá sùng, nhưng chúng sống ở bùn biển, không sống ở cát (con sá sùng sống ở cát), người ta gọi là con bông thùa, hay sâu đất. Về hình dáng, chúng giống nhau, chỉ khác sá sùng thì màu trắng ngà, to hơn, còn bông thùa có màu sẫm đen, nhỏ hơn một chút; với sá sùng, cũng có ăn tươi, nhưng thường người ta làm sạch rồi đem phơi khô mới dùng, trong khi với bông thùa lại chỉ dùng để ăn tươi.
Những ngày trời se lạnh mà có món bông thùa xào thưởng thức thì không còn gì tuyệt vời bằng.
Đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn, phi thơm hành củ băm nhỏ, đổ bông thùa vào xào to lửa, nêm chút gia vị, gần chín đổ ra đĩa. Sau đó bắc lại chảo lên bếp, cho thêm chút dầu, phi thơm hành, đổ su hào vào xào to lửa, nêm gia vị, đảo nhanh tay, gần chín thì đổ bông thùa vào, trộn đều, để thêm ít phút, rắc hành hoa vào đảo đều, bắc ra, rắc hạt tiêu. Ăn nóng. Một đĩa su hào xào bông thùa thành phẩm chúng phải khô, không có nước, su hào ăn còn độ giòn, bông thùa không dai. Màu của đĩa thức ăn có màu trắng của su hào, màu xanh của hành hoa cắt khúc và màu thẫm của bông thùa xen lẫn nhau.
Bún cù kỳ
Cù kỳ, hay nhiều nơi còn gọi là cua đá, cùm vùm là một giống cua chỉ sinh trưởng ở những vùng biển ấm . Cái tên nghe lạ tai, “kỳ cục” này thực chất là một đặc sản quen thuộc của người dân đảo Cô Tô. Cù kỳ trông rất giống cua, điểm khác nhau cơ bản là cù kỳ có chiếc càng “khủng” hơn nhưng phần thân lại mảnh mai hơn. Độ ngọt đậm đà tuy không bằng cua nhưng so sánh với ghẹ thì thịt cù kỳ “ăn đứt”.
Tại Việt Nam loài hải sản này phân bố ở bờ biển Quảng Ninh, Khánh Hòa nhưng cù kỳ có giá trị thực phẩm thì chỉ có ở Quảng Ninh, đặc biệt nhất vẫn là vùng đảo Cô Tô. Và một ưu điểm nữa là giá cù kỳ rẻ nhất trong 3 loại hải sản bổ dưỡng này.
Thịt cù kỳ không giống như cua, tuy rằng không ngọt bằng và có chút khô hơn, nhưng thịt cù kỳ lại ngọt vị ngọt của biển và đặc biệt là ăn nhiều mà không hề bị ngán. Chiếc càng cù kỳ thường rất to nên ăn cực đã.
Các món từ càng cù kỳ, quả thật là món nào cũng ngon. Càng nướng thơm lừng, càng hấp chấm với gia vị thì khỏi nói. Cầu kỳ hơn là món càng rang muối hay càng sốt me, các nguyên liệu ngấm sâu vào bên trong thịt tạo nên một thứ hương vị lạ miệng hơn và hấp dẫn hơn rất nhiều. Được nhiều người thích hơn cả có lẽ là bún cù kỳ. Thịt cù kỳ được gỡ ra, xào thơm với hành tỏi, gia vị và nước mắm, ăn cùng bát bún chan nước xương ngọt vị thịt, còn gì hấp dẫn bằng.
Rượu ngán
Có lẽ bất cứ một du khách nào khi đến Hạ Long đều có cơ hội được thưởng thức nhiều loại hải sản đặc sắc của Quảng Ninh, và ngán là một món không còn lạ đối với nhiều du khách.
Ngán được chế biến đủ các món như: ngán nướng, ngán hấp, hai món này được chấm với tương ớt trộn ít bột canh, hạt tiêu, vắt miếng chanh tươi, ăn cùng với các loại rau thơm. Cháo ngán rắc lá hành, rau dăm thêm ít hạt tiêu, hành khô phi vàng lên trên. Ngán xào với mì và rau cải cũng rất hấp dẫn… Tên gọi là “ngán” nhưng khi ăn sao không thấy ngán chút nào, bởi vị ngọt đậm đà của ngán. Đó là các món ăn được chế biến từ ngán. Nhưng rượu ngán có lẽ ít có du khách biết đến.
Người dân Quảng Ninh có món đặc sản là rượu ngán. Rượu ngán mầu hồng, uống rất thơm, mát, tăng lực, ngon miệng, phụ nữ cho con bú tăng thêm sữa cho bé bú, trong các bữa tiệc của gia đình, liên hoan hội hè với bạn bè, người dân vùng biển và nhiều du khách đến Quảng Ninh, trong bữa cơm, bữa ăn liên hoan, ai cũng muốn thưởng thức món ăn đặc sản này của vùng biển Quảng Ninh.
Đêm đông lạnh giá du khách hãy ngồi với bạn bè bên bờ biển Hạ Long. Cùng nhau quây quần bên bếp lửa hồng, cùng uống chung một cốc rượu ngán. Trên bếp lửa hồng nhớ nướng vài con mực khô, cùng nhau hát những bài hát về Hạ Long, du khách sẽ cảm thấy cuộc sống thật đẹp và đầy ý nghĩa.