Chuyển tới nội dung

Những món ngon phải thử tại Hải Hà, Quảng Ninh

Huyện Hải Hà là huyện miền núi biên giới giáp biển về phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long 150km, cách cửa khẩu Quốc tế Móng Cái 40km. Điểm nhấn du lịch của Hải Hà là đảo Cái Chiên. Với bãi tắm đẹp, hoang sơ, các di tích lịch sử văn hóa như: Đền Trần Hưng Đạo, chùa Hải Hà, đình Mi Sơn, đình Quang Lĩnh… Bên cạnh đó, ẩm thực của Hải Hà cũng rất đặc sắc. Thai Ha Boutique xin giới thiệu đến bạn đọc những món ngon phải thử khi tới du lịch Hải Hà, Quảng Ninh để bạn thoả sức thưởng thức và mua về làm quà.

Đậm đà với món khâu nhục

Nhắc đến đặc sản Hải Hà là đến chè Đường Hoa, bánh chưng cơm lông và chanh đào mật ong, nhưng còn có một món ăn mang đậm nét đặc trưng của mảnh đất này, đó là khâu nhục. Khâu nhục ăn với cơm hay xôi trắng đều ngon. Bát xôi nếp trắng dẻo thơm mà ăn kèm với miếng khâu nhục vàng ruộm, đậm đà, bùi, béo là thứ ẩm thực khó quên.

Khâu nhục - món ngon mang đậm nét đặc trưng của Hải Hà Quảng Ninh

Khâu nhục là món ăn được chế biến theo quy trình vô cùng cầu kỳ, tốn thời gian, phải đầy đủ các loại gia vị cần thiết, chỉ thiếu đi một loại gia vị cũng làm cho món khâu nhục mất đi vị ngon, thơm.

Khi làm khâu nhục phải chọn loại thịt ba chỉ ngon và được rửa sạch, cắt miếng chừng 0,5kg, luộc sơ qua, vớt ra, rồi dùng tăm tre đâm nhiều lỗ qua lớp bì để khi nấu được ngấm gia vị, sau đó đem quay, vừa quay vừa phết mật ong vào bì lợn. Nếu không có dụng cụ để quay thì đem chiên trên chảo mỡ nóng, chỉ chiên phần bì cho vàng, giòn. Sau đó vớt ra, thái thành miếng dày chừng 2 ngón tay, mỗi miếng đều có bì, mỡ, thịt.

Muốn trình bày món ăn đẹp mắt khi ăn thì cần phải xếp các miếng thịt vào các tô vừa phải, phần bì của thịt quay xuống dưới, nêm gia vị đã trộn lên trên, sau đó xếp từng bát vào nồi hấp cách thuỷ cho thịt chín nhừ. Khi lấy ra ăn thì khéo lật úp bát thịt ra đĩa, mở bát ra trên đĩa khâu nhục tạo thành hình tròn, mùi thơm đặc trưng của khâu nhục toả ra cùng màu vàng ngon mắt nhìn rất quyến rũ và bạn chỉ muốn thưởng thức ngay.

Khâu nhục ăn với bánh chưng, xôi hay là với cơm đều rất ngon, trong những ngày lễ, tết hoặc ngay cả trong những bữa ăn thường ngày của người dân nơi đây không thể thiếu món bánh chưng cơm lông ăn kèm khâu nhục. Không ăn thử một lần thì thật uổng phí. Bánh chưng cơm lông cắt miếng, xếp đều lên đĩa, miếng bánh dẻo quện, ăn kèm miếng khâu nhục được tẩm ướp với lớp da vàng ngậy và mềm, thơm.

Món ngon truyền thống – Bánh chưng cơm lông

Khâu nhục sẽ chẳng “đúng bài” nếu thiếu Bánh chưng cơm lông. Cái tên nghe cũng lạ và thú vị như khâu nhục. Món ngon Hải Hà, Quảng Ninh này được du khách tìm mua không chỉ để thưởng thức ngay mà còn “bỏ tủi” vài đòn tặng cho người thân, bạn bè.

Cái làm nên sự khác biệt của bánh chưng cơm lông với các loại bánh chưng khác là nhân của nó. Ngoài những nguyên liệu như các loại bánh chưng khác, như thịt, gạo, đỗ, hạt tiêu thì khác biệt là có thêm lá cơm lông xay nhuyễn. Đây là một loại lá cây mọc nhiều ở địa phương, hương thơm, tính mát, có vị ngọt bùi, có tác dụng thanh nhiệt, tăng cường sức khoẻ. Khi được nấu chín hoặc xay nhuyễn, lá cây cơm lông có màu đỏ tía, đẹp, bắt mắt. 

Lá lông xanh là bí quyết tạo nên sự thơm ngon, độc đáo của món bánh truyền thống ở Hải Hà, Quảng Ninh

Gói bánh chưng cơm lông, cũng giống như các loại bánh chưng khác, có điều, sau khi trải 1 lần gạo nếp, người Hải Hà còn rắc 1 lượt lá cơm lông xay nhuyễn lên trên lớp gạo, tiếp đến lại một lần thịt rồi thêm một lần lá cơm lông và một lần gạo nếp ở trên, sau đó bó chặt.

Bánh được luộc chín trong khoảng từ 9 đến 12 tiếng cho tới khi gạo nếp và nhân bánh hoà quyện, nhuyễn là đạt. Nồi bánh chưng sôi sùng sục, hương bánh chưng cơm lông thơm từ căn bếp bay ra nức lòng cả khu phố nhỏ. Bánh chưng cơm lông có vị thơm bùi riêng biệt, khi cắt ra để ăn, nhân bánh có màu đỏ tía, càng để lâu, nhân bánh sẽ chuyển sang màu đỏ thẫm trông rất đẹp mắt…

Chỉ cần một lần được thưởng thức bánh chưng cơm lông của Hải Hà, nhiều người không thể nào quên được hương vị bùi, thơm, ngậy của bánh. Vào những dịp lễ, Tết, người ta thường đặt làm bánh cơm lông tại các gia đình chuyên gói bánh truyền thống ở Hải Hà để làm quà cho người thân và gia đình hoặc bày làm món ăn trong mâm cỗ.

Đậm đà, nóng hổi với bánh đúc nóng

Bánh đúc nóng cùng thịt băm nhuyễn, hành phi thơm lừng và một chút nước mắm nóng đặc trưng sẽ là món ăn vặt vô cùng hấp dẫn mà khó ai có thể bỏ qua. Đây là món ăn bình dân, giản dị ở huyện Hải Hà nhưng lại có sức hút đặc biệt.

Món ăn vặt ngon được người dân Hải Hà và du khách ưa chuộng

Từ lâu, những người sành ăn hay những bạn trẻ hay săn tìm địa chỉ món ngon ở huyện Hải Hà không lạ gì quán bánh đúc nằm trên phố Ngô Quyền (thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà). Buổi sáng hoặc xế chiều, thực khách lại tìm đến đây để được thưởng thức hương vị món bánh đúc cổ truyền mà chỉ khi đến với mảnh đất miền Đông này mới có.

việc chế biến món bánh đúc không quá phức tạp nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mẩn và kiên nhẫn ở tất cả các khâu, từ chọn nguyên liệu tới hấp bánh. Đầu tiên, về nguyên liệu, yếu tố quan trọng nhất để làm được bánh đúc ngon và đậm nét riêng đó chính là bột gạo.

Bột gạo được lựa chọn và xay từ thứ gạo bao thai đặc sản của vùng quê Hải Hà. Sau đó, bột được cho vào khuấy đều với nước theo tỉ lệ nhất định rồi đổ vào khay hấp. Khó nhất có lẽ chính là khâu hấp bánh, phải vô cùng tỉ mỉ và khéo léo, làm sao phải canh chuẩn thời gian để khi hấp, bánh được chín đều mà không quá nhão, không quá khô.

Nhân bánh là yếu tố tạo nên một phần hương vị của bánh. Nhân bánh là sự hoà quyện của thịt, nấm, mộc nhĩ, hành khô, tỏi băm nhỏ. Với các nguyên liệu trên, bắc chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn rồi bỏ hành, tỏi vào phi thơm, thêm thịt vào xào, đến khi gần chín thì cho mộc nhĩ vào đảo đều tay và nêm nếm gia vị cho vừa đủ. Sau khi đã hoàn thành phần bánh và nhân bánh thì khâu cuối cùng đó là pha chế nước chấm bánh. Tỏi, ớt băm nhỏ pha với nước mắm, đường, chanh, sao cho vừa miệng.

Bánh đúc sau khi chín được sắt ra từng miếng độ bằng lòng bàn tay, xếp đều lên đĩa và trải nhân bánh lên trên, cùng với bát nước chấm chua, cay và một chút rau sống thái nhỏ. Thực khách sẽ cảm nhận được mùi thơm của rau, vị bùi bùi, ngậy ngậy của bánh đúc, vị đậm đà đặc biệt của nhân bánh và vị chua, cay thanh thoát của nước chấm.

Có thể nói, bánh đúc Hải Hà là món ăn vặt được người dân nơi đây và du khách hết sức ưa chuộng. Bánh đúc Hải Hà còn là dấu ấn, là kỷ niệm của những người con xa xứ, hễ đi đâu xa quay trở về là lại muốn tìm và thưởng thức món ngon quê nhà mang đậm hương vị đặc trưng mà không nơi nào có được. Thế nên, nếu có dịp đến với Hải Hà, các bạn hãy tìm và thưởng thức món ăn này.

Ngọt ngào với mía tím Hải Hà trứ danh

Mía tím Hải Hà có màu tím đậm đặc trưng. Thân cây thẳng, dóng dài, các lóng tròn đều. Hãy ngồi lại đây để thưởng thức một cốc nước mía ngày hè nóng. Bạn sẽ suýt xoa vì độ ngọt mát, thơm lừng. Hay bạn cũng có thể ăn luôn trực tiếp vì khúc mía không quá cứng và giòn. Nó không bị xốp như các loại mía tím ở các vùng khác.

Mía tím Hải Hà được đóng gói, hút chân không cẩn thận, an toàn nên du khách cứ yên tâm mua về làm quà và trữ tủ lạnh riêng nhà mình nhé. Để khi lấy món ngon Hải Hà, Quảng Ninh này ra ăn thì kỉ niệm về chuyến đi tuyệt vời ấy lại ùa về trong bạn.

Mía tím Hải Hà được đóng gói, hút chân không phù hợp mua làm quà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *